Tăng lương tối thiểu: Cả doanh nghiệp và người lao động đều bất an


Theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được Quốc hội thông qua tháng 11-2015, từ 1-5-2016 lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chính thức tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%); bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Vậy là sau gần ba năm hưởng lương cơ sở “giậm chân” từ tháng 05/2016, những người trong diện tăng lương đã có thể nhẹ đầu hơn ít nhiều khi túi tiền lương hằng tháng của mình rủng rỉnh hơn chút đỉnh.

Theo TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ: “ Tăng lương luôn đồng nghĩa với hệ quả khiến vị trí việc làm trong khu vực Nhà nước thêm hấp dẫn và “đắt đỏ”; làm tăng sức kéo, nán níu một bộ phận cán bộ người lao động thuộc khu vực này, nhất là nhóm người có năng lực và trách nhiệm thấp, khiến tăng chi thường xuyên và chậm quá trình giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Bởi vậy, tăng lương cần đi đôi với kiên quyết xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiện toàn tổ chức, làm rõ yêu cầu và tiêu chí nhiệm vụ của từng vị trí việc làm; áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, CNVC nhà nước, giảm thiểu tình trạng “nuôi báo cô” những biên chế thừa bằng tiền thuế người dân”.

Việc tăng lương cũng góp phần bình đẳng hơn mức thu nhập giữa các bộ phận người lao động trong xã hội. Dễ dàng thấy rằng tăng lương là tốt đối với người nhận lương, nhưng luôn có tác động đa chiều và nhiều hệ lụy mặt trái về chi phí và sức cạnh tranh, ổn định tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như công bằng xã hội, đòi hỏi cần được xử lý thận trọng, khoa học, trên cơ sở hài hòa lợi ích…

Doanh nghiệp lo lắng tăng lương sẽ phải cõng thêm hàng loạt chi phí. Còn người lao động sợ trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm lao động. Trong lúc này, người lao động nếu mất việc thì khó khăn còn chồng chất hơn, bởi với họ thu nhập và việc làm có vai trò quan trọng như nhau.

Mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do doanh nghiệp phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn; Phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Chính phủ.

 “Tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa do các doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư mở rộng về các vùng nông thôn, thu hút lao động hiện đang có thu nhập chỉ bằng một phần lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định” – đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Phương Chi- Trưởng phòng công tác giới – Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương, thu nhập thực tế của đa số công nhân hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. “Lương thấp, kết quả là 88% công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hiện nay, công nhân thích tăng ca không phải để tích lũy mà để đủ sống. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện nước ở nhà trọ” – bà Bùi Phương Chi nêu thực tế.

Trong khi đó, doanh nghiệp có xu hướng chia cắt tiền lương, trả lương cho người lao động xấp xỉ hoặc cao hơn chút ít so với mức lương tối thiểu. Bù vào đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp khác như tiền chuyên cần, xăng xe, ăn trưa mà doanh nghiệp trả thêm cho người lao động. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm khoản phụ cấp ngoài lương để tiết kiệm chi phí sản xuất, khiến thu nhập của người lao động bị giảm sút. Do đó, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn và bấp bênh hơn.

Tăng lương tối thiểu là một bài toán khó cho các doanh nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.


Xem thông tin chi tiết Chương trình Tri ân khách hàng tại đây



ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO