QA - Công việc hay nghề nghiệp

Liệu trong mỗi chúng ta đã bao giờ tự hỏi tại sao ngày hôm nay, tại thời điểm hiện tại, khi đang đọc bài viết này, mình lại là một QA? Tại sao không phải là một Developer hay một công việc hoàn toàn khác!? Bạn bắt đầu làm việc như một QA vì bạn cần một công việc, để kiếm tiền và đảm bảo nhu cầu cuộc sống, hay từ mong muốn phát triển nghề nghiệp lâu dài?


Hãy thành thật trả lời câu hỏi cho chính bản thân bạn.

Cuộc sống hiện đại, có vô vàn những công việc giúp chúng ta có thể duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, việc tìm cho mình một công việc thành thực mà nói đối với vô vàn những sinh viên mới ra trường là điều không đơn giản. Một tình huống mà tôi nghĩ rằng là hệ quả từ lối suy nghĩ và giáo dục. Áp lực là không nhỏ nếu như bạn là một người trưởng thành, một sinh viên đã tốt nghiệp hay thậm chí thạc sĩ, hay tiến sĩ. Áp lực để có một công việc không chỉ đảm bảo cuộc sống, mà còn đảm bảo cho bạn có một cái nhìn tốt từ dư luận xung quanh bạn. Nói tới đây, tôi chợt nhận ra hình ảnh bản thân khi mới chập chững “ra trường”.
Khi bạn chọn QA là một công việc, bạn không có nhiều sự lựa chọn, bạn bắt đầu với nó một cách vội vàng, gấp gáp, bạn vồn vập tìm kiếm thông tin, bạn vồn vã tìm người có kinh nghiệm (có thể người đó cũng xem QA như một công việc như bạn), bạn viết vội một CV tạm bợ theo hơi hướng QA, bạn rải cùng một CV cho tất cả những Job có tiêu đề đính kèm chữ QA mà thậm chí không cần biết bạn nắm được bao nhiêu % trong những gì được ghi trong mô tả công việc. Và nếu may mắn, bạn có được một công việc, đơn giản là một công việc không hơn không kém. Một sự khởi đầu không tệ cho con đường mưu sinh trước mắt.

Khi bạn đi làm, bạn bắt đầu hình dung được công việc cụ thể của mình là gì, bạn được những người quen việc dìu dắt, và dần dần bạn quen việc, bạn không còn phải lo lắng vì sự mưu sinh, bạn thảnh thơi hơn vì không còn phải chịu sức ép như một sinh viên mới ra trường cần việc làm. Bạn có những mối quan hệ tốt hơn, bạn bắt đầu nhảy việc từ những gì bạn học được, thu nhập tốt hơn dù nó tới nhanh hay chậm. Tất cả những vấn đề bạn đối mặt khi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp dường như được giải quyết.

Và bởi vì bạn chỉ xem QA như một công việc:

Bạn làm việc tròn vai, bạn nỗ lực nửa vời, bạn tìm kiếm cho mình những cơ hội mới đa số vì bởi thu nhập, bạn hiếm khi đi xa hơn ngoài những nhiệm vụ bạn được giao. Bạn trang bị những kiến thức, kinh nghiệm nhằm làm đẹp hơn CV(Résume) mà bỏ qua những kiến thức thực sự cần của công việc hiện tại. Bạn nỗ lực vì muốn ghi điểm với sếp hơn là những thành tựu chuyên sâu. Bạn luôn tìm kiếm cho mình cơ hội để làm những vị trí cao hơn để thoát khỏi “kiếp” QA/Tester/QC… Bạn luôn nghĩ rằng mình cần nhanh chóng kiếm tìm một vị trí khác, hoặc một cơ hội khác, và bạn luôn sẵn sàng cho cơ hội đó. Vì bạn chỉ xem QA là một công việc bạn không cảm thấy tự hào với những gì mình đạt được hôm nay, và có thể đôi khi bạn cảm giác một chút bất lực vì chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc đối với công việc hiện tại, cảm giác bạn đang mắc kẹt tại chỗ. Bạn nhìn ra xung quanh, những đồng nghiệp của bạn ở các vị trí khác, công ty khác, một chút thèm thuồng, ghen tị và thậm chí là sự ngưỡng mộ dành cho họ. Những cảm giác đó rất tự nhiên, rất con người và rất đáng trân trọng. Cuộc sống đôi khi không cho chúng ta quyền lựa chọn và buộc bạn phải thích nghi và có vẻ như, bạn đã và đang làm rất tốt điều đó.

Nếu bạn chọn QA là một nghề nghiệp; một nghề nghiệp không chỉ giúp bạn đảm bảo cuộc sống, mà còn là một sở thích, một đam mê. Ngay từ khi chưa thực sự đi làm hoặc sau môt thời gian sống với công việc của một chuyên viên QA, bạn biết mình muốn gì, bạn biết rõ mong muốn bản thân khi quyết định trở thành một QA chuyên nghiệp. Dù ít hay nhiều bạn từng bước tìm hiểu về nghề nghiệp của bạn, bạn trang bị những kiến thức mà một phần nào đó bạn tin rằng nó sẽ tốt với công việc trong tương lai khi là một QA/QC/Tester. Bạn có được công việc mà bạn mong muốn và bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên con đường nghề nghiệp của một QA.


Và bởi vì bạn xem QA là một nghề nghiệp thực sự:

Bạn luôn tự đặt cho mình những câu hỏi làm sao để bạn có thể trở nên tiến bộ hơn, một sự tiến bộ thực sự cho những kĩ năng cần thiết của một QA chuyên nghiệp. Bạn nhảy việc, tìm cho mình một môi trường làm việc tốt hơn và có cơ hội nâng cao kiến thức hơn là vì thu nhập, một điều hiển nhiên rằng một môi trường tốt hơn luôn đi kèm những chế độ tốt hơn . Bạn đắm chìm trong những kiến thức của một QA, mỗi ngày đối với bạn là một trải nghiệm, là một cơ hội để bạn khám phá. Bạn yêu công việc hiện tại của mình và bạn hiểu rất rõ những giá trị hay thành tựu mà mình có được. Thời gian trôi qua, bạn tin tưởng hơn vào con đường bạn chọn, mặc dù khó khăn là không ít khi bạn luôn tìm kiếm cho mình những thử thách mới xung quanh công việc mà bạn đang làm, một QA. Bạn ngày một trở nên vững chắc hơn không chỉ đối với chính bản thân, mà với chính những đồng nghiệp xung quanh. Họ cảm thấy sự tin cậy nơi bạn, khi hàng ngày hằng giờ, bạn vẫn đang dùng những gì bạn tin tưởng để tạo ra giá trị cho công ty, đồng nghiệp. Và khi nhìn ra xung quanh, bạn luôn cảm thấy ngưỡng mộ những đồng nghiệp của bạn, nhưng thay vì cảm giác tự ti, hay mong muốn làm những công việc như họ, bạn không ngừng nâng cao năng lực của bạn khi là một QA, vì bạn tin rằng điều đó có ý nghĩa hơn là cố gắng để trở nên giống họ. Bạn tìm tới những người có chung mục đích làm việc như bạn, không quan trọng họ là ai. Bạn làm chủ hoàn toàn được công việc của bạn, những nhiệm vụ bạn được giao, bạn luôn tìm cho mình những quyết định nhanh chóng, và chính xác. Mọi hành động của bạn luôn xuất phát từ một trái tim yêu nghề.

Lời cuối:

Cho dù bạn đến với QA bởi vì một xuất phát điểm nào đi chăng nữa, với tôi điều đó luôn đáng trân trọng. Vì hằng ngày hằng giờ bạn vẫn đang một cách trực tiếp giúp những phần mềm trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc sống là những cuộc hành trình và theo một cách nào đó bạn là chủ nhân của những cuộc hành trình đó. Nếu bạn xem QA chỉ như một công việc để trả các hoá đơn cuối tháng, hay bạn chưa thực sự nhìn thấy đam mê đối với công việc của bạn, không sao cả. Bạn vẫn đang bước đi trên con đường tìm kiếm niềm yêu thích của mình. Đừng cảm thấy buồn chán, hãy trân trọng và biết ơn những gì công việc đang đem lại cho bạn, và biết đâu tới một lúc nào đó bạn biến nó trở thành một đam mê, hơn là một công việc.

Nếu bạn chọn QA như một nghề nghiệp, và có một kế hoạch dài hạn cho nó. Chúc mừng bạn. Một lời khuyên nho nhỏ của tôi là đừng nản lòng nếu như một lúc nào đó bạn cảm thấy mình chưa nhận được xứng đáng với những gì mình nỗ lực, đôi khi những thất bại nho nhỏ chính là những liều thuốc quý giá cho  con đường nghề nghiệp mà bạn đã chọn.

Tham khảo khóa học "Chuyên viên QA chuyên nghiệp" được giảng dạy bởi các giảng viên có bề dày thành tích và kinh nghiệm tại trường Đào tạo Kỹ năng Quản lý SAM.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mọi thông tin chi tiết về khóa học, Anh/ Chị có thể liên hệ BP. Tư vấn Trường SAM qua

Số điện thoại: (08)35 178848 - 35 178849


Hoặc email: info@sam.edu.vn; tuvan@sam.edu.vn

 

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO