Quản lý chất lượng trong doanh nghiệp là gì?

Trong thời đại hiện nay, khả năng cạnh tranh để thu hút khách hàng của doanh nghiệp được tập trung vào việc cải tiến liên tục về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này làm cho quản lý chất lượng trở thành yếu tố quan trọng của hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vậy trên thực tế quản lý chất lượng là gì? Và điều gì khiến nó thực sự đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mọi doanh nghiệp?

1. Quản lý chất lượng là gì? 

- Quản lý chất lượng là tập hợp các hoạt động như: tổ chức, lên kế hoạch, giám sát và thực hiện các công việc với mục đích đảm bảo cho sản phẩm đầu ra có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng và mong muốn của khách hàng. Điều này góp phần mang lại sự hài lòng của khách hàng, tạo ra sự hiệu quả và cải tiến trong quá trình sản xuất.

- Quản lý chất lượng không chỉ tập trung vào đầu ra, mà còn liên quan đến toàn bộ quy trình sản xuất, từ lúc chuẩn bị kế hoạch, đến quá trình nhập nguyên liệu, quy trình sản xuất, rà soát kiểm tra… Tất cả đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng.

2. Các nguyên tắc của quản lý chất lượng

Để việc quản lý được hiểu quả và mang đến kết quả tối ưu nhất cần tuân thủ 6 nguyên tắc quản lý chất lượng sau đây:

  • Sự thỏa mãn khách hàng: Việc quản lý chất lượng phải định hướng vào khách hàng. Cần liên tục tìm hiểu các nhu cầu của khách hàng và xây dựng nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu đó một cách tối ưu.
  • Đào tạo kỹ năng lãnh đạo: Các nhà quản lý chất lượng cần được đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Lãnh đạo cả tổ chức phải thống nhất mục đích, môi trường nội bộ của công ty, huy động nguồn lực để đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của công ty.
  • Cải tiến liên tục: Mọi công ty đều cần hướng đến mục tiêu cải tiến liên tục, điều này càng quan trọng hơn trong sự biến động không ngừng của môi trường kinh doanh như hiện nay.
  • Phân tích dữ liệu và thông tin: Các quyết định và hành động có hiệu lực dựa trên sự phân tích dữ liệu và thông tin.
  • Thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhà cung ứng: Cần thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhà cung ứng, nâng cao sự ổn định của nguồn cung và khả năng tạo ra giá trị của cả hai bên.
  • Quản lý nhân sự: Cần học cách quản lý nhân sự bởi con người là tài sản quan trọng của tổ chức, yếu tố quyết định cho sự phát triển.

3. Các phương pháp quản lý chất lượng trong doanh nghiệp 

3.1 Kiểm tra chất lượng 

- Kiểm tra chất lượng là phương pháp được tiến hành vào cuối giai đoạn sản xuất, với mục đích xem xét chất lượng sản phẩm có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn đã đề ra hay chưa. 

- Quá trình kiểm tra việc thực hiện quản lý chất lượng được dựa trên những tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật có sẵn để xác định chất lượng thành phẩm đạt hay không đạt. Sau đó xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố kịp thời, hỗ trợ tiết kiệm thời gian, tài nguyên cũng như giảm tiểu được tối đa chi phí sản xuất. Công việc này đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra thương hiệu uy tín đối với khách hàng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

3.2 Kiểm soát chất lượng toàn diện

- Kiểm soát chất lượng toàn diện là một chính sách quản lý tập trung có sự phối hợp đồng nhất và hiệu quả trong toàn bộ quy trình từ sản xuất, cung ứng, bán hàng và chăm sóc khách hàng. - - Với mục đích xem khách hàng ở trọng tâm, kiểm soát quản lý chất lượng toàn diện đảm bảo rằng mọi hoạt động trong quy trình sản xuất đều tuân thủ các quy định chất lượng đã được định sẵn. Điều này còn giúp doanh nghiệp đảm bảo sự thống nhất trong mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng, từ đó giúp nâng cao mối quan hệ bền vững và gia tăng lòng trung thành từ phía khách hàng. 

3.3 Quản lý chất lượng toàn diện

- Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) là một chiến lược thúc đẩy sự cải thiện liên tục trong mọi bước hoạt động của doanh nghiệp. TQM không chỉ giúp sản phẩm, dịch vụ có thể đáp ứng yêu cầu, mà còn nhấn mạnh sự tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức để có phương án đáp ứng tốt nhất cho các mong muốn của khách hàng.

- Phương pháp này đòi hỏi sự phối hợp tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức để đóng góp ý kiến và đề xuất phương pháp cải tiến, từ đó tạo ra một văn hóa doanh nghiệp ưu tiên sự sáng tạo và mạnh dạn đổi mới.

4. Quy trình quản lý chất lượng 

4.1 Hoạch định chất lượng 

- Hoạch định chất lượng là bước thiết lập các mục tiêu và tiêu chuẩn quản lý chất lượng mà doanh nghiệp mong muốn sản phẩm có thể đáp ứng được. Quá trình này cũng giúp cho các thành viên trong tổ chức định hình được mục tiêu chung cho công việc.

- Hiểu theo cách chi tiết, doanh nghiệp sẽ phải xác định các yêu cầu cụ thể của khách hàng và thị trường bao gồm việc xác định các thông số kỹ thuật, hiệu suất đạt chuẩn và điều kiện đáp ứng an toàn mà quy trình quản lý chất lượng cần đáp ứng.

- Sau khi đã có các tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp cần xây dựng các cách thức đo lường, xem xét và đánh giá để đảm bảo mọi yêu cầu đều được đáp ứng. Các chỉ số này sẽ dựa trên thông số cụ thể, giúp doanh nghiệp giám sát năng suất và đưa ra quyết định.

4.2 Đảm bảo chất lượng

- Quy trình đảm bảo chất lượng là một hệ thống công việc được thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra trong bước hoạch định. Quá trình này chú trọng vào việc kiểm soát để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

- Công việc này bắt đầu từ việc thiết lập tiêu chuẩn kiểm tra cụ thể. Nó có thể liên quan đến chất lượng nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, hiệu suất thực hiện công việc và các thông số kỹ thuật khác.

- Quy trình đảm bảo phải duy trì tính liên tục để giữ cho sản phẩm luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn đã được đặt ra. Nếu có xảy ra sai sót, các biện pháp thay thế, sửa chữa sẽ được can thiệp kịp thời để giữ cho quy trình quản lý chất lượng luôn được vận hành hiệu quả. 

4.3 Kiểm soát chất lượng 

- Kiểm soát chất lượng là phương pháp liên quan đến công việc kiểm tra và thử nghiệm từng giai đoạn của quy trình quản lý chất lượng có đáp ứng được các tiêu chí đặt ra hay không. Doanh nghiệp có thể ứng dụng 6 công cụ quản lý chất lượng để thực hiện công việc kiểm soát được tốt và mang tính hệ thống hơn.

- Kiểm soát chất lượng giúp đảm bảo tính an toàn và đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Nó đóng vai trò chủ chốt trong việc gây dựng lòng tin từ đối tác, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển và mở rộng trong thị trường cạnh tranh.

4.4 Liên tục cải thiện 

- Liên tục cải thiện là một phương pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng. Quá trình này bắt đầu từ việc xác định các công việc, quy trình có thể cải thiện và tối ưu hóa. Bằng cách thu thập dữ liệu về năng suất, doanh nghiệp có thể vạch ra các cơ hội để cải tiến đổi mới. Các biện pháp sửa chữa sẽ được phê duyệt và áp dụng để giải quyết những vấn đề này.

- Liên tục cải thiện không phải là việc soi mói tìm kiếm lỗi sai của nhân viên, nhưng mục đích là để tối ưu và tạo ra sự thay đổi tích cực trong qua trình quản lý chất lượng. Khuyến khích những ý tưởng sáng tạo và khơi gợi tất cả mọi người đưa ra những ý tưởng và đóng góp.

- Việc thực hiện công tác cải thiện thường xuyên giúp cho doanh nghiệp có thể thích nghi với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh. Đây là một phần không thể thiếu để duy trì sự cạnh tranh trong thời kỳ có nhiều biến động như hiện nay.

5. Kết luận

- Quản lý chất lượng hiệu quả không chỉ mang lại sự thành công vượt bậc của doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều cơ hội để bứt phá trong tương lai. Mong rằng các phương pháp và quy trình quản lý trên sẽ giúp bạn định hình cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời gian tiếp theo.

Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM

 

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO