Phát triển các phẩm chất lãnh đạo

1. Hãy tự tin, ngay cả khi bạn không biết tường tận mọi công việc.

Giữ tư thế đĩnh đạc, nhìn vào mắt mọi người và ra điệu bộ khi nói để nhấn mạnh các điểm quan trọng. Biểu lộ sự tự tin và thực sự tin tưởng rằng bạn có khả năng dẫn dắt cả đội tiến bước. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đủ vững vàng để thừa nhận khi bản thân không biết điều gì đó mà không cảm thấy bất an.

  • Thử tưởng tượng cảnh bạn thốt ra câu “Tôi không biết”, vừa nói vừa nhìn xuống đất, tay chân thì ngọ nguậy. Giờ thì bạn hãy hình dung mình đang nói “Tôi chưa có lời giải đáp, nhưng tôi sẽ tìm hiểu và sẽ phản hồi sau”, nhưng lần này bạn đứng thẳng và nhìn vào mắt người đối diện.
  • Dù không biết một điều gì đó thì bạn cũng không trở thành người lãnh đạo kém cỏi. Trái lại, một người lãnh đạo thiếu hiệu quả sẽ có cảm giác bất an và không chịu thừa nhận mình sai.
  • Đừng quên rằng sự tự tin và kiêu ngạo chỉ cách nhau một lằn ranh mong manh. Hãy thừa nhận rằng bạn không thể biết tất cả mọi thứ và đừng hành động như thể bạn vượt trội hơn tất cả mọi người.

>>> Tham khảo thêm khóa đào tạo: Kỹ năng lãnh đạo

2.Học hỏi càng nhiều càng tốt về lĩnh vực của bạn.

Hãy tận dụng mọi cơ hội để trau dồi kiến thức, dù bạn là trưởng nhóm bán hàng hay là chủ tịch của một câu lạc bộ trong trường học. Việc biết rõ những gì mình đang nói sẽ giúp bạn bồi đắp sự tự tin và chiếm được sự tin tưởng của đội. Đành rằng bạn không thể biết hết mọi thứ, nhưng mọi người sẽ nghi ngờ khả năng của bạn nếu họ hỏi câu nào bạn cũng bảo rằng không biết.

  • Tệ hơn nữa, nếu bạn không biết điều gì đó mà lại làm ra vẻ như biết và hoá ra lại là sai, đội của bạn sẽ không còn tin bạn nữa.
  • Ví dụ, nếu bạn có kế hoạch gây quỹ từ thiện tại trường học, hãy kiểm tra trên trang web của tổ chức đó về các hướng dẫn điều phối các sự kiện.
  • Nếu bạn đứng đầu một đội ngũ kỹ sư, hãy nghiên cứu mọi thứ trong khả năng của bạn về các sản phẩm mà nhóm chế tạo, tham dự các sự kiện bồi dưỡng chuyên môn, đồng thời luôn cập nhật các kỹ thuật và phần mềm mới có liên quan.

3. Tìm một cố vấn có kinh nghiệm.

Sự phát triển là không có giới hạn, ngay cả khi bạn đang ở vị trí lãnh đạo cao nhất. Hãy tìm một người có các kỹ năng lãnh đạo tài giỏi mà bạn ngưỡng mộ. Bạn cũng có thể trò chuyện với người đó trong những buổi đi cà phê hoặc ăn trưa, hoặc hỏi xem họ có sẵn lòng làm cố vấn lâu dài cho bạn không.

  • Hãy tìm một thần tượng là người đã từng vượt qua thử thách và đạt được các mục tiêu như của bạn. Ví dụ, nếu là một nữ sinh ở trường trung học hoặc đại học, bạn có thể tham dự các sự kiện diễn thuyết trước công chúng của các diễn giả là các phụ nữ ở vị trí lãnh đạo.
  • Có thể bạn sẽ cảm thấy e ngại khi đề nghị ai đó làm cố vấn cho mình, nhưng hãy cố gắng thư giãn. Bạn chỉ cần liên hệ với ai đó đã đạt được các mục tiêu như bạn đã đặt ra cho mình, tỏ ra ngưỡng mộ thành tựu của họ và xin lời khuyên.
  • Bên cạnh việc nắm bắt các cơ hội học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn, bạn cũng nên tư vấn cho những người mà bạn đang dẫn dắt.

4.Học cách giải quyết mâu thuẫn.

Nếu xảy ra xung đột nảy lửa giữa các thành viên trong đội, bạn cần lên tiếng để những người có liên quan kìm chế. Cho mọi người thời gian để bình tĩnh lại, nếu cần thiết. Xác định nguyên nhân gây xung đột và thực hiện các bước xử lý.

  • Cố gắng hiểu quan điểm của từng người và giữ thái độ khách quan. Nếu có cách tìm ra một kịch bản làm hài lòng cả đôi bên, bạn hãy cố hết sức đưa ra một giải pháp thỏa hiệp.
  • Giả sử như bạn đang điều hành một nhà máy, và có sự cố đã xảy ra - một lỗi thiết kế khiến một đơn hàng bị hủy. Một nhân viên kinh doanh tức giận vì mất khoản tiền hoa hồng nên lớn tiếng với nhân viên thiết kế đã làm lỗi. Bạn hãy bảo cả hai bên bình tĩnh lại, nhấn mạnh rằng hành động nổi giận là không được chấp nhận, và trấn an cả hai rằng hệ thống kiểm tra mới sẽ ngăn ngừa các vấn đề tương tự trong tương lai.
  • Nhớ rằng trong môi trường chuyên nghiệp, bạn có thể giao cho quản lý nhân sự xử lý các vụ việc xung đột leo thang giữa các nhân viên

 Lãnh đạo hiệu quả 

1. Kiên quyết, nhưng biết cảm thông: Là một lãnh đạo, bạn cần thực thi các quy tắc và ranh giới rõ ràng. Mặt khác, bạn có thể bị cả đội chống lại nếu bạn không giữ cân bằng giữa quyền lực và lòng trắc ẩn.

  • Khi thực thi một luật lệ nào đó, bạn hãy giải thích với đội lý do vì sao nó lại quan trọng. Thay vì hét lên “Đừng có lãng phí giấy”, bạn hãy nói “Mọi người vui lòng không in bất cứ thứ gì trừ khi thực sự cần thiết. Giá vật tư đang tăng và ảnh hưởng rất nhiều đến công ty.”

2. Quyết đoán chứ đừng do dự: Bảo vệ các quyết định của bạn, nhưng đừng độc đoán. Hãy thu thập thông tin, lắng nghe nhiều luồng ý kiến và dành thời gian thảo luận. Một khi vấn đề đã được bàn thảo xong, bạn hãy đưa ra quyết định dứt khoát.

  • Giả dụ như nhóm bạn của bạn đang bàn nhau xem nên làm gì tối nay. Mọi người chần chừ, lưỡng lự và phản đối ý kiến của nhau. Thế rồi, một người bước lên trước và nói “Các bạn ơi, bây giờ chúng ta sẽ làm 'việc' này”. Đó chính là người vươn lên dẫn đầu, nhận biết được tình huống cần có sự chỉ huy và đứng ra gánh vác trách nhiệm.
  • Nhớ rằng đôi khi bạn cần phải ra quyết định ngay, nhưng có những lúc bạn cần thu thập thông tin. Hãy tự hỏi bản thân “Liệu một quyết định vội vã có gây tổn thương cho ai không? Liệu bạn cần ra quyết định ngay bây giờ hay vẫn còn thời gian để thảo luận với mọi người?”
  • Hãy linh hoạt nếu cần thiết và sẵn sàng chuyển hướng khi có thông tin mới.


3. Giao nhiệm vụ và giải thích rõ ràng về các vai trò của các thành viên:
 Người lãnh đạo sẽ không kiểm soát mọi người từng ly từng tí hoặc ôm đồm làm tất cả. Khi giao nhiệm vụ cho các thành viên trong đội, bạn hãy nói rõ mong đợi của bạn và đưa ra các hướng dẫn cần thiết. Bạn sẽ có lòng tin các thành viên trong đội hoàn thành nhiệm vụ hơn nếu bạn tạo điều kiện giúp họ thành công.

  • Một yêu cầu rõ ràng sẽ như sau “Hoàn tất hồ sơ thông số kỹ thuật cho ít nhất 5 dự án xây lắp, hạn chót là đến cuối tuần.” Một mong đợi mơ hồ sẽ là “Làm một số hồ sơ thông số kỹ thuật”.
  • Khi cần huấn luyện ai đó, bạn hãy đích thân làm mẫu, vừa làm vừa giải thích các bước thực hiện. Nếu có thể, bạn nên quan sát khi họ bắt đầu làm, và nhẹ nhàng chỉnh sửa nếu họ có làm lỗi.

Chiếm lòng tin của đội

1. Đối xử với các thành viên trong đội bằng thái độ tôn trọng. Cho mọi người thấy thái độ cảm thông chân thành của bạn; họ sẽ nhận ra bạn có thực sự quan tâm đến họ hay không. Hãy lắng nghe khi mọi người trình bày ý kiến, khen ngợi khi họ làm việc tích cực và đừng bao giờ dùng ngôn từ không phù hợp. Hãy nhớ rằng bạn chính là người tạo nên phong thái của đội, do đó hãy thiết lập kiểu hành vi mà bạn muốn cả đội thể hiện.

  • Đừng quên rằng thể hiện sự tôn trọng với các thành viên trong đội không đồng nghĩa với việc bạn nên chiều theo các ý tưởng bốc đồng của họ.
  • Nếu có ai đó bất đồng với bạn, hãy lắng nghe lý lẽ của họ và sử dụng thông tin mà họ đưa ra để điều chỉnh quyết định của bạn. Nếu các góp ý của họ không phù hợp, bạn cũng nên tỏ ra rằng bạn tôn trọng ý kiến của họ, nhưng bạn đang đi theo một hướng khác.


2. Giữ lời hứa: 
Nếu nuốt lời hứa, bạn sẽ mất đi sự tôn trọng của mọi người. Có thể bạn có sức cuốn hút và kiến thức sâu rộng, nhưng nếu bạn đã nói mà không giữ lời thì rất có thể sẽ bi lật đổ.

  • Để có thể thực hiện được lời hứa của mình, bạn phải biết việc gì có thể làm được, việc gì không. Hãy thực tế khi bạn đưa ra lời hứa, và đảm bảo nó nằm trong khả năng của bạn.
  • Ví dụ, bạn đừng hứa tăng lương “khủng” cho nhân viên, trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng ngân quỹ cho phép. Nếu bạn điều hành một câu lạc bộ trong trường, đừng hứa rằng bạn sẽ huy động được thêm tài trợ khi bạn chưa trao đổi với hiệu trưởng hoặc ban quản trị của trường.


3. Hỏi ý kiến phản hồi của những người dưới quyền.
 Khi bạn ở vị trí lãnh đạo, mọi người có thể e sợ bạn và không dám chủ động đưa ra các ý kiến phê bình mang tính xây dựng. Thay vì chờ mọi người lên tiếng, bạn hãy hỏi đội của mình các câu hỏi cụ thể xem bạn cần làm gì để thể hiện tốt hơn.

  • Đừng hỏi các câu có câu trả lời là “có” hoặc “không”. Thay vào đó, bạn hãy hỏi những câu hỏi cụ thể như “Các bạn thấy tôi có thể làm gì để trở thành người lãnh đạo tốt hơn” hoặc “Có cách nào để tôi có thể truyền đạt được rõ ràng hơn không?”

4. Chịu trách nhiệm. Hãy bảo vệ các quyết định của bạn và chịu trách nhiệm cho các hậu quả có thể xảy ra. Nếu có gì sai sót, bạn sẽ phải đứng ra nhận trách nhiệm và đừng đổ lỗi cho người khác để lấp liếm sai lầm của mình.

  • Hãy tưởng tượng bản thân bạn như một vị thuyền trưởng đang nắm trong tay số phận của một con tàu, và bạn có trách nhiệm đưa mọi người đi đúng hướng.
  • Khi sự việc diễn ra không như mong muốn, một người lãnh đạo tốt phải là người kiên gan bền chí. Thay vì rúc đầu xuống cát, bạn hãy nhìn nhận sự thất bại là cơ hội để học hỏi.

Lời khuyên

  • Giúp đỡ cả đội đạt được các mục tiêu tập thể cũng như mục tiêu cá nhân. Bạn nên nhớ rằng, việc động viên và tạo điều kiện cho các cá nhân thành công là một phần của mục tiêu đưa cả đội tiến lên một bước mới.
  • Đừng làm người quản lý, hãy là người lãnh đạo.
  • Luôn luôn thực hiện những gì bạn đã khuyên răn người khác. Không gì có thể khiến một lãnh đạo đánh mất lòng tin của mọi người hơn là thói đạo đức giả. Khi đã đặt ra luật lệ, bạn cần phải tuân thủ. Bạn phải là tấm gương cho những người khác noi theo.
  • Sức cuốn hút cũng hữu ích, nhưng lòng tin luôn quan trọng hơn là sự hấp dẫn. Sự tử tế chân thành sẽ đưa bạn đi xa hơn là vẻ quyến rũ giả tạo.

>>> Tham khảo thêm khóa đào tạo: Kỹ năng lãnh đạo

Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO