Quản trị nhân sự: Trăm dâu đổ đầu tằm

Bên cạnh các giám đốc bán hàng, giám đốc kinh doanh, giám đốc kỹ thuật… giám đốc nhân sự đang ngày càng trở thành “vị trí quan trọng bậc nhất” tại các doanh nghiệp trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách về nhân sự, đóng góp ngày càng tích cực vào quá trình phát triển, vào những chuỗi thành công của doanh nghiệp.


Nhưng, nghề giám đốc nhân sự quả chẳng phải là nghề dễ dàng chút nào, nhất là trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực này còn chắp vá, rất thiếu và rất yếu. Các giám đốc nhân sự còn thiếu tính chuyên nghiệp, còn phải kiêm nhiệm từ những bộ phận khác...

Muôn vàn khó khăn đặt ra cần giải quyết. Tuỳ theo thực tế của từng doanh nghiệp, người phụ trách nhân sự luôn phải tìm ra cách ứng phó với các thực tế xảy ra, từ việc nhỏ, tới việc lớn, là người biết tháo gỡ các khó khăn và xây dựng được mối đoàn kết trong doanh nghiệp, từ đó tạo ra sức mạnh chung cho sự phát triển của doanh nghiệp.

LUÔN GẶP PHẢI NHỮNG PHÀN NÀN VỀ CHÍNH SÁCH LƯƠNG

Đây là điều mà rất nhiều giám đốc nhân sự gặp phải. Không chỉ ở những doanh nghiệp có mặt bằng lương thấp, điều này xảy ra ngay cả trong các doanh nghiệp có mặt bằng lương vốn vẫn cao hơn mức trung bình.

Nguyên nhân có thể do chính giám đốc nhân sự thiếu cơ sở về việc đánh giá các kinh nghiệm, trình độ đào tạo và các công việc trước đây, cũng như sự phát triển kỹ năng của từng cán bộ nhân viên. Cũng từ nguyên nhân thiếu cơ sở trong việc phân tích và phân loại các mức lương cho người lao động hay trong việc định ra định mức đánh giá kết quả hoạt động, giám đốc nhân sự không chỉ ra được mức lương hợp lý và công bằng trong hệ thống nhân sự.

Tuy nhiên, giám đốc nhân sự vẫn chỉ là giám đốc nhân sự. Các thái độ, cách thức điều hành của tổng giám đốc điều hành (hay có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên khác của Hội đồng quản trị…) đôi khi cũng làm cho chính sách nhân sự lâm vào thế bị động, không nhất quán và thiếu tính ổn định, khiến giám đốc nhân sự lúng túng, dẫn đến bị động, thiếu linh hoạt trong cách sắp xếp hệ thống tiền lương. Cũng có thể do các sức ép “tế nhị”, giám đốc nhân sự đã không thể thể hiện được đầy đủ mối quan hệ giữa tiền lương và giá trị công việc của từng người lao động, dẫn đến sự mất công bằng trong hệ thống tiền lương.

ĐỐI DIỆN VỚI TÌNH TRẠNG TỶ LỆ LUÂN CHUYỂN LAO ĐỘNG TĂNG CAO

Các giám đốc nhân sự đôi khi hoảng hốt bởi tình trạng chất lượng lao động chẳng ra gì, năng suất lao động thấp kém… rồi dần dà xuất hiện tình trạng lao động ra – vào liên tục. Việc đăng tuyển, tổ chức thi cử, phỏng vấn diễn ra triền miên. Tuyển dụng và thuê những lao động không tốt thường là suy nghĩ bật ra trước tiên trong đầu các giám đốc nhân sự ở trường hợp này. Các giám đốc nhân sự sáng suốt hơn sẽ đặt ra các câu hỏi như liệu đã công bằng, đã chính xác và nhất quán trong việc trả lương; liệu đã xác định chính xác tỉ lệ lương, lợi ích và chi phí của người lao động cũng như thời gian nghỉ phép và thái độ làm việc của người lao động; liệu người lao động không biết, không hiểu hay không đồng ý với những nguyên tắc quản lý, chính sách hay các ưu tiên trong quản lý nhân lực…

ĐIỀU HÒA CÁC MỐI QUAN HỆ NỘI BỘ PHỨC TẠP


Không nằm ngoài nhiệm vụ của các giám đốc nhân sự, các mối quan hệ nhiều chiều: giữa người lao động với người lao động, giữa người lao động với người sử dụng lao động rất phức tạp, và việc phải điều hòa các mối quan hệ đó là công việc vô cùng vất vả, đầy tính nhạy cảm và phải rất “nghệ thuật” của người gánh vác trách nhiệm quản trị nhân sự.

Tuy nhiên, không phải người phụ trách nhân sự nào cũng thạo nghề và biết cách hoá giải những khó khăn gặp phải. Nhiều cán bộ quản trị nhân sự rất thiếu kỹ năng đàm phán, kỹ năng để thuyết phục người lao động cũng như người sử dụng lao động trong quá trình hóa giải các mâu thuẩn nội tại, trong quá trình thuyết phục cấp trên về các kế hoạch do mình đề xuất. Thông thường, cán bộ quản trị kiêm luôn đại diện cho công đoàn trong doanh nghiệp, nên việc đàm phán với người lao động để đưa ra được một chính sách hài hoà lợi ích là rất quan trọng.

LỜI KẾT


Thật chẳng thể kể hết các công việc kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Trong bối cảnh hội nhập và xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường lao động hiện nay, các cán bộ quản trị nhân sự luôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Một giám đốc nhân sự chuyên nghiệp, biết việc - biết làm là không thể thiếu trong một mô hình quản lý hiện đại, khoa học và càng không thể thiếu nếu công ty có chiến lược đi đường dài trên con đường hội nhập và phát triển.

 

Nguồn sưu tầm

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO