DOANH NGHIỆP VIỆT BỚT “STRESS” KHI TRUNG QUỐC KHỐNG CHẾ ĐƯỢC DỊCH

Thời gian một tháng gần đây thì tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt và có dấu hiệu lắng xuống tại Trung Quốc, cửa khẩu sẽ được mở vào một ngày không xa là tín hiệu đáng mừng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Vì Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thủy sản,… của Việt Nam và là nơi cung ứng các nguyên liệu giá rẻ cho Việt Nam.

Xuất khẩu sang Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại thì các mặt hàng lúa gạo, rau củ sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Còn những mặt hàng như thủy sản, hồ tiêu, cà phê,… sẽ chậm hơn. Hiện tại tình hình dịch đang căng thẳng ở khu vực Âu – Mỹ khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang gấp rút chuẩn bị để ứng phó.

Sau năm 2019 thành công, ngành điều VN đặt mục tiêu xuất khẩu 2020 đạt 4 tỉ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch của các doanh nghiệp. Khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung cho 2 thị trường lớn châu Mỹ và châu Âu, tuy nhiên tình hình gần đây 2 thị trường này đã bị dịch bệnh tấn công khủng khiếp. "Dù chưa thể tăng cường xuất khẩu ngay trong tháng 4 này, nhưng việc Trung Quốc bắt đầu khống chế được dịch covid-19 là một tín hiệu vui cho ngành điều trong bối cảnh các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vào khủng hoảng vì dịch bệnh" - ông Phạm Văn Công, chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng đang mong chờ thị trường Trung Quốc sớm quay trở lại để có thể giải quyết hàng tồn kho. Đặc biệt các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản,… có thể tăng tốc.

Xuất khẩu lúa gạo có tín hiệu đáng mừng từ thị trường Trung Quốc

Việc khống chế được dịch bệnh khiến cho nhu cầu lúa gạo tại Trung Quốc tăng lên, ngoài ra thì dịch hại do châu chấu gây ra tại nước này cũng sẽ khiến nhu cầu lúa gạo tăng mạnh.

Những công thanh long được bảo quản trong kho lạnh tại Long An sẽ có thể được “giải phóng” ngay khi Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại. Đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

Về phía nguồn cung từ Trung Quốc

Từ khi dịch bùng phát từ Trung Quốc và biên giới đóng cửa, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm những nguồn cung mới thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhập lại nguồn cung từ Trung Quốc. Vì một số mặt hàng cung cấp từ châu Âu, châu Mỹ có giá cao hơn gấp 2 – 5 lần.

"Không dễ gì thay thế được nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc với nền sản xuất của VN. Chuyển đổi sang các nguồn cung cấp khác không chỉ khó về giá cả mà còn cả về chủng loại hàng hóa và phương thức thanh toán. Vì vậy, khi Trung Quốc khống chế được dịch bệnh và sản xuất xuất khẩu trở lại, không chỉ có doanh nghiệp nước họ phát triển mà nhiều ngành hàng sản xuất của VN cũng được hưởng lợi" - Giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y tại Đồng Nai cho hay.

Theo ông Đỗ Tuấn Minh - giám đốc Công ty TNHH Lộc Minh (Bình Chánh), hiện công ty tạm thời chuyển sang nhập khẩu một số chất phụ gia từ Ấn Độ thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên ông vẫn giữ mối quan hệ làm ăn với các đối tác cung ứng bên Trung Quốc, và được họ báo rằng khoảng cuối tháng 4 mọi chuyện có thể trở lại bình thường. Ông cho hay nguồn cung từ Ấn Độ cao hơn Trung Quốc khoảng 5%.

"Với mức cao hơn này, chúng tôi vẫn chấp nhận được và cũng chỉ nhập cầm chừng, duy trì sản xuất là chính. Còn nói chuyển hẳn sang nhập của Ấn Độ thì phải tính toán lại giá bán sản phẩm. Mà bây giờ đâu có nói chuyện tăng giá bán được trước sức mua quá thấp hiện nay" - ông Minh thông tin thêm.

Nguồn cung từ Trung Quốc vẫn có giá rẻ hơn so với nhiều nơi khác

Theo Bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN (VPA), nguồn hàng từ Trung Quốc dồi dào trở lại là một tín hiệu tích cực nhưng mới chỉ là một phần của vấn đề. Bởi vì các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu đang rất khó khăn, thị trường nội địa cũng gặp khó vì dịch bệnh.

"Cái chính bây giờ là làm sao vực dậy sức mua trong nước. Sức mua quá yếu, doanh nghiệp không bán được hàng mà còn phải mua nguyên liệu với giá cao hơn trước thì phải chịu áp lực rất lớn về đầu ra. Sức mua có khởi sắc thì doanh nghiệp mới mạnh dạn hơn trong việc tính toán nhập khẩu nguồn cung với chi phí mới". – Bà Mỹ nói thêm.

 

Biên soạn theo Báo Tuổi Trẻ

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO