6 Cách để lấy lại động lực làm việc những lúc căng thẳng

Động lực làm việc là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Nhưng đôi khi, cảm thấy chán nản trong công việc lại khiến cho nhiều người cảm thấy bị mắc kẹt. Sau đây là những cách để “boost-up” lại tinh thần làm việc cho những ai vẫn còn đang loay hoay, chán nản.

1. Tập suy nghĩ lạc quan hơn

Nghe có vẻ không giúp được nhiều cho tâm trạng của những người đang cảm thấy “chán” làm. Thế nhưng đây dường như lại là một trong những bước đầu tiên nếu bạn muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại. Hãy dành thời gian ra để suy nghĩ về những niềm vui, những thành công mà bạn đã có trong quá trình từ lúc bắt đầu làm việc cho đến thời điểm hiện tại. Tập cho mình một thói quen tìm những điều tốt đẹp trong những thứ tồi tệ sẽ là một cách tốt để nhanh lấy lại tinh thần làm việc đấy. Cuộc sống đôi khi không phải là một màu hồng, cũng không phải lúc nào cũng tối mịt, hãy nhớ, cuộc sống được lắp ghép từ rất nhiều màu sắc, bạn nhé!

2. Xác định được rào cản của bản thân

Hãy tập trung dành thời gian ra và ngồi lại để tìm hiểu xem đâu là vấn đề chính khiến cho bạn trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Cảm xúc tiêu cực có thể xuất phát từ bất cứ lý do khách quan và chủ quan nào, là áp lực về khối lượng công việc quá lớn? Hay thậm chí đời tư cá nhân khiến bạn trở nên bị “ngộp”, không cách nào tập trung vào sự việc được?

Tuy nhiên, dù là ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không nên để bản thân rơi vào trạng thái “rơi tự do” bạn nhé! Nếu đó là vấn đề rào cản về công việc, hãy kiên nhẫn hơn với khuyết điểm của mình, chắc chắn bạn sẽ tìm được hướng ra.

3. Đừng bất lực trước tình huống cá nhân

Cũng không loại trừ đi trường hợp bạn đang cảm thấy quá khó khăn để giải quyết hay thậm chí là giải bày về rắc rối của mình. Luôn nhớ, bạn có hai sự lựa chọn lúc này, một là từ bỏ, hai là cố gắng để vượt qua. Những trắc trở xuất hiện trong cuộc sống đều có lí do của nó, đôi khi đến lúc vượt qua rồi bạn lại cảm thấy giá mà điều đấy xảy ra sớm hơn thì bạn đã tốt hơn rất nhiều. Đã gọi là “cảm xúc tiêu cực” thì ít nhiều gì cũng không “dễ như ăn cháo” được.

Đối với những ai vẫn chưa quá bế tắc, chỉ là bạn đang trở nên lười để giải quyết, thì hãy nhanh chóng hành động đi nhé! Điều tồi tệ nhất chính là không có bất kỳ một hành động nào. Nếu như bạn không làm gì cả, thì có suy nghĩ, tính toán, lên kế hoạch bao nhiêu cũng không thể học được gì, không thể phát triển được một chút nào hết, khi bạn để càng lâu, mọi thứ chỉ càng tồi tệ hơn thôi!

4. Chia sẻ với đồng nghiệp hay thậm chí là cấp trên của bạn

Công sở vốn vẫn luôn được cho là chốn thị phi xô bồ, không ai có thể tin nổi được ai. Thế nhưng việc có cho mình một vài người bạn nơi làm việc cũng không hẳn là một điều quá khó. Hãy mở lòng hơn để chia sẻ về áp lực của bản thân mình, biết đâu được bạn sẽ nhận được sự chia sẻ có ích cho tâm trạng hiện tại của mình. Ngoài ra, tâm sự với sếp cũng là một ý hay, sẽ chẳng có một con đường nào bằng phẳng, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những trắc trở, bày tỏ với cấp trên cũng sẽ giúp cho bạn tránh phải những khiển trách ngoài ý muốn. Từ đó, bạn chắc chắn sẽ tìm lại được động lực làm việc cho mình, vì vẫn còn rất nhiều ngoài xung quanh bạn mà, đúng không nào?

5. Xem lại cách sinh hoạt của bạn

Lối sinh hoạt hằng ngày không khoa học cũng là một trong những nguyên do khiến cho bạn nảy sinh ra nhiều suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực hơn. Trung bình đối với những người làm việc full-time, mỗi ngày năng suất làm việc tối đa hợp lý nhất sẽ rơi vào khoảng 10 tiếng một ngày. Nếu làm việc quá sức, cơ thể của bạn chắc chắn sẽ trở nên mệt mỏi. Hẳn khi nói đến đây, bạn cũng đã có được câu trả lời tại sao mình hay thấy uể oải khi đứng trước núi công việc rồi. Tập cho mình thói quen ngủ sớm, biết sắp xếp công việc hợp lý, theo mức độ quan trọng mà chọn xử lý từng việc một, ăn uống đủ bữa cũng là cách để duy trì thể trạng luôn nằm ở mức an toàn.

6. Dành thời gian nhất định để chăm sóc bản thân

Những người trong độ tuổi từ 23-30 tuổi thường có xu hướng xem nhẹ việc dành thời gian cho bản thân, họ quan niệm thời gian này phải tập trung tuyệt đối để kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, dành mỗi ngày 1 đến 2 tiếng ra để làm những điều mà bản thân thích, giải trí, dành thời gian cho bạn bè, gia đình cũng là một ý hay. Thời gian giải trí cho bản thân tuy không nhiều so với thời gian bạn bỏ ra để làm việc, thế nhưng nó chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc giải toả tâm trạng sau những áp lực bộn bề nơi công sở

Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO